Tìm Hiểu Về Dây Leader & Shock Leader
Ngày nay, người đi câu thường hay sử dụng dây Braid (PE) bởi những tính năng vượt trội so với dây cước thông thường. Ưu điểm vượt trội nhất là tính không co dãn- cũng chính là nhược điểm của nó.
– Ưu điểm: Sự không co giãn của dây braid giúp cho cần thủ có thể cảm nhận nhanh nhạy tác động của cá đến dây câu, giúp cần thủ đưa ra những phản ứng kịp thời.
– Nhược điểm: vì dây braid không co dãn, nên áp lực tạo lên một đường câu từ lưỡi-khóa-phao… cũng như các khoen câu, máy câu sẽ lớn hơn loại cước câu co dãn nhiều.
Để khắc phục nhược điểm của dây Braid: người ta sẽ gắn một sợi dây cước (leader) vào đầu dây braid. Dây cước ngọn này thường được gọi là dây leader, dây ngọn hay gọi là dây shock leader.
Đặc tính: tên gọi Leader hay Shock Leader khác nhau, giống nhau như thế nào chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
– Dây leader hay shock leader hay dây ngọn chỉ là cách để gọi đoạn dây cước được nối với đầu dây braid. Công dụng chính: Giảm các tác động ngược lên đầu cần, khoen và máy khi thực hiện đóng cá, hay còn gọi là chức năng giảm chấn. Giúp chống trầy xước dây braid khi thực hiện câu rê ở các địa hình phức tạp.
– Dây Leader (dây ngọn): Có thể sử dụng dây mono hoặc dây fluorcarbon.
Dây mono với thành phần chính là Nilong (fluorin) thì mềm mại -co giãn, chống sốc rất tốt nhưng dễ bị xoắn và dễ bị trầy xước trong quá trình câu cá.
Dây fluorcarbon có thành phần và cấu tạo chính từ Carbon và Fluorin. Tuỳ vào hàm lượng Carbon có trong cấu trúc dây mà có dây fluorocarbon với nhiều độ cứng-mềm khác nhau. Đặc điểm: cứng cáp-không (ít) co giãn, chịu trầy tốt, không bị xoắn, chống tia UV, có khả năng tàng hình trong nước, thích hợp để câu những loại cá săn mồi dữ.
– Dây Shock Leader: cũng là cách gọi khác của dây ngọn (leader) nối vào dây braid, nhưng với loại dây có thành phần chính là fluorocarbon, thì nó bao gồm ưu điểm của cả hai loại mono (cước nilong) và Fluocarbon (cước carbon). Nghĩa là: Hàm lượng Carbon chiếm tỉ lệ phù hợp trong cấu tạo dây tạo nên một dòng dây câu sử dụng làm dây ngọn mang cả hai ưu điểm của cước nilong và cước carbon; Đó là: không quá cứng, có khả năng co giãn để giảm sốc, chịu trầy tốt, không xoắn, có khả năng tàng hình…
– Tuỳ theo hàm lượng carbon có trong thành phần kết cấu dây, nhà sx sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm dây cước các loại : mềm, cứng vừa, cứng, nặng , nhẹ, chìm hay nổi. Cũng tùy theo loại cá và địa hình câu cụ thể mà cần thủ sẽ chọn loại dây ngọn phù hợp (mềm, cứng vừa, cứng) để tăng tính hiệu quả cho chuyến câu.
Chọn kích cỡ dây ngọn (leader, shock leader)
Việc chọn dây leader có đường kính như thế nào phải phù hợp với địa hình câu, các kích cỡ cá cũng như loại cá định câu. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm và kỹ thuật câu của mỗi người.
Ví dụ: Với câu rê cá lóc, thì bạn có thể chọn dây ngọn có lực kéo khoảng 20-22lb. Với câu cá Tráp, Chẻm, Lóc bông… bạn có thể dùng dây ngọn có lực tải khoảng 30-40 Lb. Với câu các loại cá dữ hơn ngoài biển như Nhồng, Thu, GT… bạn phải dùng các loại dây ngọn có lực tải từ 80lb đến trên 200lb.
– Chiều dài dây ngọn (leader, shockleader): phụ thuộc vào kiểu câu, kinh nghiệm và loại cá định câu.
Ví dụ: câu lure ( cá lóc, cá tráp, cá chẻm…), câu casting, câu jig, popping- chiều dài dây ngọn thường dùng 1,2m đổ lại. Dây ngọn sử dụng cho kiểu câu giăng mồi sống bắt cá chẻm, Thu… thường có chiều dài từ 2m – 15m.
– Có rất nhiều thương hiệu dây câu với chất lượng, giá cả khác nhau trên thị trường. Cơ bản thì đều sử dụng được. Cá nhân tôi hay sử dây ngọn thương hiệu Varivas hay Seague.